Sở Tài Nguyên và Môi Trường Tp. Hồ Chí Minh mới đây phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức buổi hội thảo “ Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng khu dân cư không rác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” vào ngày 30/9/2015.
Tại hội thảo, với sự góp mặt của nhiều đại biểu đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo các đại biểu chia sẻ rằng, tập trung phát triển các mô hình hiệu quả trong bảo vệ môi trường giữa người dân và các công ty môi trường như: Mô hình “Khu phố không rác”, “Tuyến đường không rác”, “Câu lạc bộ bảo vệ môi trường". Chị Nguyễn Thị Lệ (Trưởng Ban vận động khu phố 4, phường 6, quận 5) cho biết: Từ khi thực hiện mô hình "Khu phố không rác" đến nay, tình hình vệ sinh môi trường, mỹ quan tại khu phố có những chuyển biến tích cực; ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh nơi ở, vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt; các tuyến đường trên địa bàn khu phố được đảm bảo "xanh - sạch - đẹp".
Đẩy mạnh các mô hình “Khu phố không rác”, “Tuyến đường không rác”, “Câu lạc bộ bảo vệ môi trường". (ảnh minh họa)
Tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Gia Trân (Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Những năm vừa qua, các chương trình và hoạt động truyền thông môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào sự chuyển biến nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường của người dân thành phố. Công tác tuyên truyền đã giúp người dân tiếp cận các thông tin liên quan đến môi trường, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư.
Theo Tiến sĩ Phạm Gia Trân, kết quả khảo sát người dân, sinh viên trên địa bàn thành phố cho thấy, có đến 85,6% số sinh viên được hỏi cho biết đã từng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tại cộng đồng dân cư, người dân tham gia nhiều nhất vào các chương trình thu gom rác thải; đa số các gia đình đều quan tâm đến quy định “Không đổ rác ra vỉa hè, lòng đường”; 78,2% người dân cho rằng ý thức bảo vệ môi trường đang ngày càng tốt hơn.
78,2% người dân cho rằng ý thức bảo vệ môi trường đang ngày càng tốt hơn.
Còn theo đại diện UBND phường Tân Thới Hiệp (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) - nơi đang thực hiện thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn: Hiện chương trình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường. Các hộ dân tham gia chương trình đã hiểu rõ cách phân loại chất thải rắn tại nguồn, hỗ trợ tốt hơn cho lực lượng làm công tác thu gom. Để phát huy hơn nữa hiệu quả chương trình, UBND phường kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận 12 xem xét đưa nội dung chương trình vào các trường học trên địa bàn, để hình thành thói quen phân loại chất thải rắn nguy hại tại nguồn và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian tới Sở phối hợp với chính quyền phường, xã bố trí thêm các thùng rác công cộng tại các khu vực dân cư mà người dân gặp khó khăn trong việc kết nối thời gian với lực lượng thu gom rác; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi.