Với vị trí địa lý nằm giáp với Thủ Đô nước CHXH Chủ Nghĩa Việt Nam, Hà Nam được hưởng nhiều lợi ích từ sự phát triển không ngừng nghỉ của Hà Nội, song cùng với được hưởng những lợi ích đó, Hà Nam cũng gặp nhiều ảnh hưởng từ sự ô nhiễm của một thành thị lớn nhất, nhì Việt Nam, đó là nguồn nước thải thải ra từ thủ đô.
Chính từ những nước thải thải ra đó mà nước ở những con kênh không còn màu xanh hay đỏ nặng phù sa nữa, mà thay vào đó là màu đen lòm. Thực vật trôi nổi trên lòng kênh như bèo, súng, rong cũng dần dần biến mất. Cá, tôm trong kênh không còn đa dạng như trước, hầu như chỉ còn loài cá rô phi và dọn kiểng là còn sống trong môi trường ô nhiễm đó.
Đã từ lâu không còn thấy bóng dáng người dân đổ xô ra lòng kênh bắt cá, tôm, cua, hến như mọi năm trước. Năm nay, câu nói cửa miệng của người dân là “nước sông Tô Lịch lại về”. Nước về qua hệ thống cống dẫn tràn vào các cánh đồng. Một màu xanh đen phủ đầy các thửa ruộng trồng lúa, trồng hoa màu. Nước thấm vào đất. Đất nuôi cây lúa, cây rau, cây ngô, cây đậu. Cây lại nuôi người.
Cá chết vì bị ô nhiễm . ( Ảnh minh họa)
Hà Nam là tỉnh chiêm trũng, nơi có bốn con sông chảy qua, gồm: Sông Đáy, Nhuệ, Châu Giang và sông Hồng. Theo số liệu phân tích thường kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, nước ở sông Nhuệ và Châu Giang luôn trong tình trạng ô nhiễm. Nhiều chỉ số vượt mức an toàn cho phép nhiều lần, thậm chí hàng chục lần tùy theo thời điểm trong năm. Nước ở sông Đáy cũng có nhiều thời điểm trong năm không đạt tiêu chuẩn an toàn. Đã rất nhiều lần, vào thời điểm nước sông Tô Lịch được xả, cá nuôi trong bè trên dòng Châu Giang lại bị chết hàng loạt do bị ô nhiễm nặng . Số hộ nuôi cá trên sông ngày cảng giảm do thiệt hại lớn khi cá chết mà không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Người dân hai bên bờ sông nhiều lần phải di tản khỏi nhà vì không chịu nổi mùi hôi từ nước sông bốc lên.
Cũng chính nước từ những con sông này, thông qua hệ thống thủy lợi đã được đổ về hệ thống kênh mương, đồng ruộng các xã trong toàn tỉnh Hà Nam. Nước ô nhiễm được chia cho tất cả các cánh đồng. Cây trồng sinh trưởng cũng nhờ nguồn nước này. Người dân trồng lúa, trồng rau bằng nguồn nước này và đương nhiên cũng phải tiêu thụ những dư lượng chất độc hại mà cây đã thẩm thấu để sinh trưởng. Nước còn ngấm xuống lòng đất, lẫn vào nguồn nước ngầm của Hà Nam.
Những ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm đến người dân là không có gì bàn cãi, tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chưa có công trình nghiên cứu bài bản nào được chứng nhận vấn nạn ô nhiễm nguồn nước khiến sức khỏe con người giảm đáng kể. Thực tế cho biết là số người bị nhiễm ung thư từ các vùng miền đang ngày một tăng, độ tuổi người mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa.
Người dân hạ nguồn không trực tiếp gây ô nhiễm. Nhưng họ lại là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đã có nhiều lời kiến nghị của người dân, có nhiều cuộc họp liên ngành, liên tỉnh được tổ chức. Song, hiệu quả đạt được còn quá ít ỏi so với mong muốn của người dân, do nhiều nguyên nhân khác nhau.